Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Cách phân biệt các hạng ôtô tại Việt Nam

Các mẫu xe hơi phân chia thành các phân khúc khác nhau, dựa vào dung tích động cơ hay kích thước cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng.
Ảnh minh họa

Thực tế, xe hơi cũng được phân hạng A, B, C... hoặc theo dòng sedan hay hatchback, chúng phân loại theo tiêu chuẩn khác nhau. Dữ liệu dưới đây cung cấp thông tin về các dòng ôtô đang bán ra ở Việt Nam, chủ yếu là các dòng xe phổ thông.

Phân khúc A

Phân khúc A bao gồm các dòng xe mini, xe gia đình cỡ nhỏ. Trong đó, xe mini thường dùng động cơ dung tích dưới một lít và có 2 chỗ ngồi, ví dụ như Smart ForTwo.

Xe gia đình cỡ nhỏ hay còn gọi là xe nội thị, tốc độ nhanh hơn xe mini, công năng sử dụng thuận tiện hơn. Xe thường trang bị động cơ từ 1-1,25 lít, có chiều dài cơ sở khoảng 2.400 mm. Ở Việt Nam, xe gia đình gồm các mẫu như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage.

Phân khúc A thường được lòng chị em phụ nữ hay những người mua xe lần đầu lựa chọn vì kích thước nhỏ gọn, thích nghi trên phố và giá rẻ.

Phân khúc B

Xe phân khúc B thường trang bị động cơ từ 1.4 đến 1.6, chiều dài cơ sở khoảng 2.500-2.600 mm. Mẫu xe thuộc phân khúc B gồm:

Sedan: Toyota Vios, Honda City, Nissan Sunny, Hyundai Accent, Ford Fiesta, Mazda2, Mitsubishi Attrage, Kia Rio, Suzuki Ciaz, Chevrolet Aveo.

Hatchback: Toyota Yaris, Ford Fiesta, Mazda2, Kia Rio, Suzuki Swift.

Crossover: Ford EcoSport, Hyundai i20 Active, Suzuki Vitara, Chevrolet Trax.

Phân khúc B cũng được khách hàng nữ ưa chuộng. Họ từng sở hữu xe hoặc mua lần đầu. Xe phân khúc này có 3,4 hoặc 5 cửa, thiết kế với 4 ghế, đăng ký chở 5 người. Những mẫu hatchback hiện hành có chiều dài tối đa 3.900 mm, trong khi kiểu sedan dài khoảng 4.200 mm.

Phân khúc C

Ở phân khúc C, xe cũng trang bị động cơ từ 1.4 đến 2.2 hoặc cao hơn là 2.5, chiều dài cơ sở khoảng 2.700 mm. Phân khúc C cũng là mẫu xe phổ biến nhất trên thế giới bởi nó "vừa đủ" cho tất cả các nhu cầu khi tham gia giao thông.

Mẫu sedan thuộc phân khúc C gồm Toyota Altis, Honda Civic, Mazda3, Kia K3, Hyundai Elantra, Chevrolet Cruze. Dòng hatchback gồm Kia Cerato, Mazda3. Dòng SUV phổ biến ở phân khúc C như Honda CR-V, Kia Sportage, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Chevrolet Captiva, Mitsubishi Outlander Sport, Suzuki Grand Vitara.

Phân khúc D

Dòng xe thuộc phân khúc D thường có đủ 5 chỗ cho người lớn, động cơ mạnh mẽ hơn và bản cao cấp dùng động cơ V6. Kích thước xe tùy theo khu vực, châu Âu dài hơn 4.700 mm, trong khi ở Bắc Mỹ, Trung Đông thường dài hơn 4.800 mm. Chiều dài cơ sở vào khoảng 2.800 mm.

Các mẫu sedan ở phân khúc D như Toyota Camry, Honda Accord, Mazda6, Kia Optima, Hyundai Sonata, Nissan Teana. Các mẫu SUV như Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Kia Sorento, Hyundai Santa Fe, Isuzu mu-X, Ford Everest.

MPV - Xe gia đình

Những chiếc MPV có thể chở tới 7 người, nội thất rộng rãi, hàng ghế thứ 3 có thể gập lại cho không gian chứa đồ. MPV là viết tắt của Multi-Purpose Vehicle, dòng xe đa năng cho gia đình. 

Hình dáng bên ngoài của MPV thường thấp hơn và dài hơn SUV để có thể chở đồ và bố trí các hàng ghế thoải mái.

Tại Việt Nam, MPV có chiều dài cơ sở tương tự một mẫu xe cỡ D, ví dụ Innova tương tự Camry. Một số mẫu xe khác như Kia Rondo, Chevrolet Orlando, Suzuki Ertiga, Honda Odyssey.

Xe bán tải (pick-up)

Những mẫu xe hạng nhẹ có khoang chở hàng lộ thiên phía sau, đăng ký chở 4-5 người, không gian nội thất đủ dùng. Thành viên pick-up gồm Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Isuzu D-Max, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado.

Theo VnExpress.net

Đọc tên các hãng ôtô như nào là đúng?

Đọc đúng tên hãng ôtô có lẽ là điều nhiều người băn khoăn. Cách dễ dàng nhất để học có lẽ là lắng nghe người bản địa phát âm tên gọi của hãng xe sở tại.  

Theo Duy Hải (Tri Thức Trực Tuyến)

5 dung dịch quan trọng cho xe hơi

Để vận hành, ngoài đổ xăng, ôtô cần bổ sung hoặc thay khá nhiều loại dung dịch khác nhau mà không phải ai cũng biết.  

 

Xăng được ví như máu của xe và đổ xăng đúng cách giúp mạch máu thông suốt xe sẽ vận hành an toàn ổn định và bền bỉ.

Các chuyên gia khuyên đổ xăng vào buổi sáng, tránh buổi trưa và ban đêm. Tuy nhiên, không nên chạy hết bình mới đổ xăng, mà nên đổ từ khi thấy vạch kim xăng sắp về vị trí E hoặc khi có điều kiện. Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, nên tắt động cơ trước khi đổ xăng.

Ngoài ra, không nên đổ quá đầy xăng khiến xe nặng thêm, động cơ chịu thêm tải nên sẽ tiêu tốn xăng hơn. Nhưng cũng không nên thường xuyên để xe cạn xăng vì các chi tiết trong bình lâu ngày không được ngập trong xăng có thể bị ăn mòn.

Dầu máy  

Thay dầu định kỳ đúng tiêu chuẩn sẽ giúp đảm bảo bôi trơn, làm mát, làm sạch duy trì công suất và tuổi thọ động cơ.

Theo tiêu chuẩn của các hãng xe, dầu động cơ nên thay ở 1.000 km đầu tiên với xe mới sử dụng và sau mỗi 5.000 km cho những lần tiếp theo. Ngoài việc thay dầu, các hãng xe cũng khuyến cáo nên thay cả lọc dầu, 2 lần thay nhớt thì một lần thay lọc (hoặc thay lọc sau mỗi 10.000 km).

Video hướng dẫn thay dầu động cơ ôtô.

Nước mát  

Dung dịch làm mát đóng vai trò giải nhiệt, biểu hiện thông qua đồng hồ nhiệt độ động cơ trên bảng táp-lô.

Thông thường, khi nước mát đủ, khả năng làm mát tốt thì kim đồng hồ ở ngưỡng một nửa, giữa C (cool) và H (hot). Nếu đồng hồ chạy gần về phía H, tức hệ thống làm mát có vấn đề, dễ gặp nhất là thiếu nước mát. 

Xe thiếu nước mát sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Biểu hiện xe bị ì, gằn máy thậm chí có thể bị cong vênh mặt quy-lát, hỏng pít-tông, xy-lanh và gãy tay biên.

Video thể hiện nước mát sôi sùng sục ở nhiệt độ cao.

Theo các chuyên gia là cứ sau mỗi 40.000-50.000 km (khoảng 2-3 năm), tài xế nên thay nước mát để đảm bảo khả năng làm mát hiệu quả. Cẩn thận hơn, mỗi lần bảo dưỡng xe nhất là trong mùa hè, nên kiểm tra mực nước trong bình chứa, nếu thấp hơn mức tiêu chuẩn cần đổ thêm, đồng thời kiểm tra hệ thống làm mát vì có thể sẽ bị rò rỉ.

Đặc biệt, dung dịch nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà là chất lỏng chuyên dụng. Thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) và dung dịch làm mát ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh, cùng các chất phụ gia giúp chống bay hơi, ăn mòn động cơ. Vì vậy không nên pha thêm bất kỳ thứ nước gì khác.

Lưu ý, trường hợp động cơ đang nóng, nước mát trong bình có thể sôi. Nếu lúc này mở nắp bình, áp lực nước sẽ phun ra ngoài rất nguy hiểm. Nên mở nắp ca-pô và đợi cho tới khi máy nguội mới tiến hành mở nắp bình nước kiểm tra hoặc châm thêm nước.

Nước rửa kínhNước rửa kính chuyên dụng giúp nâng cao tuổi thọ của cần gạt đồng thời hạn chế tình trạng khúc xạ ánh sáng cả ban ngày lẫn ban đêm.

Tại Việt Nam, nhiều lái xe tiết kiệm thường sử dụng nước lã thay cho nước rửa kính chuyên dụng. Nước lã không thể làm sạch axit trong nước mưa cũng như những bụi bẩn phức tạp hằng ngày bám vào. Những vết bẩn lâu ngày không được làm sạch triệt để dẫn đến kính bị mốc, ố ảnh hưởng tầm nhìn khi ánh sáng ban ngày hoặc đèn xe ban đêm chiếu vào nguy hiểm đến tính mạng của người điều khiển xe cũng như người đi đường khác.

"Sáng tạo hơn", nhiều người trộn nước rửa bát với nước lã thành nước rửa kính. Dung dịch không phù hợp này có thể làm sạch kính nhưng lại làm xơ cứng cần gạt nước và ống dẫn nước. Kiềm trong chất tẩy rửa còn khiến máy bơm nước rửa kính nhanh hỏng.

Video hướng dẫn châm nước rửa kính.
 

Dầu phanh  

Dầu phanh sử dụng lâu ngày sẽ bị ngậm nước làm giảm nhiệt độ sôi tạo bọt khí khiến hệ thống phanh vận hành kém hiệu quả.

 

Phanh ô tô

Khi phanh xe, cơ năng chuyển hóa thành nhiệt làm nóng cơ cấu phanh. Dầu ở xi-lanh bánh xe nhận nhiệt và nóng dần lên. Trong một số trường hợp như đổ đèo dài, lái xe chưa có kinh nghiệm phanh liên tục thay vì về số, nhiệt độ tăng cao, dầu phanh có thể bị sôi. Bên trong hệ thống xuất hiện bọt khí.

Bọt khí trong dầu phanh bị nén lại, triệt tiêu áp suất do lực đạp và trợ lực phanh sinh ra. Kết quả, lực đạp phanh nhẹ hơn bình thường, cảm giác phanh xe không ăn dù đã đạp hết mức.

Dầu lẫn nước cũng khiến những chia tiết đắt đỏ của hệ thống lần lượt "ra đi". Yên phanh, xi-lanh bánh xe hay cụm ABS dần bị ăn mòn từ bên trong.

Nên thay dầu phanh sau 3-5 năm sử dụng.

Theo Ngọc Điệp (VnExpress.net)

Chi tiết xe siêu sang Mercedes

Mức giá 6,9 tỷ Đồng kèm nội thất được trang bị hàng loạt tính năng dành cho xe siêu sang, Mercedes-Maybach S400 4Matic sẽ là lựa chọn hấp dẫn cho các khách hàng Việt.

Thành công ngoài sức mong đợi của Maybach S600 khiến Mercedes-Benz Việt Nam phân phối thêm hai sản phẩm cấp thấp hơn là Mercedes-Maybach S500 và Maybach S400 4Matic. Trong đó, phiên bản siêu sang của S400 có mức giá khá "tốt" chỉ vào khoảng 6,9 tỷ Đồng.
 

Mức giá bán của Mercedes-Maybach S400 4Matic chỉ đắt hơn bản sedan S500L khoảng 400 triệu Đồng nhưng bù lại khách hàng của dòng xe siêu sang sẽ có một không gian nội thất xa hoa cùng logo Maybach xuất hiện khắp xe.
 

Mức giá bán tương đối "mềm" cùng nội thất xe siêu sang, vì thế, Mercedes-Maybach S400 4Matic được xem như "át chủ bài" trong việc hoàn thành mục tiêu hay thậm chí vượt doanh số 180 đến 200 chiếc Maybach trong năm nay của Mercedes-Benz Việt Nam đề ra.
 

Mercedes-Maybach S400 4Matic có chiều dài tổng thể 5.457 mm, rộng 1.899 mm và cao 1.498 mm. So với bản tiên chuẩn, Maybach S400 dài hơn khoảng 200 mm.
 

Tương tự như Mercedes-Maybach S600, Maybach S400 4Matic cũng có điểm nhấn ở lưới tản nhiệt 3 thanh ngang mạ crôm sáng loáng và đèn pha LED.
 

Logo hai chữ M lồng vào nhau của Maybach được trang trí ở bên sườn xe, gần cửa kính sau cũng là đặc điểm nhận dạng của dòng xe siêu sang nhà Mercedes-Benz.
 

Phía đuôi xe có sự khác biệt so với bản tiêu chuẩn ở cặp ống xả kép AMG mạ crôm hay dòng chữ Maybach.
 

Ở nội thất, so với phiên bản Maybach S500 có massage ở tất cả các ghế thì Maybach S400 4Matic chỉ có chức năng này ở ghế sau. Ngoài ra, cả hai đều sử dụng chất liệu da Nappa Exclusive hoặc designo Exclusive Semi-aniline.
 

Hàng ghế sau dạng thương gia, có thể ngả tối đa về phía sau lên đến 43,5 độ, tích hợp đệm đỡ bắp chân, đỡ chân điều chỉnh điện cùng chức năng massage 6 chế độ, gồm 2 chế độ massage chườm đá nóng.
 

Ở giữa hai hàng ghế dạng thương gia còn tích hợp thêm ngăn lạnh...
 

Hay bộ bàn làm việc và 2 ly sâm panh bằng bạc chế tác thủ công bởi Robbe & Berking cùng ngăn để ly đi kèm.
 

Trên bảng điều khiểu trung tâm và cụm chỉnh điều hòa phía sau có logo Maybach như dấu hiệu nhận biết. Bản thân vịn tay trước và sau cũng có logo Maybach.
 

Cửa sổ trời toàn cảnh với kính đổi màu Magic Sky Control.

 

Khoang lái của tài xế cũng được bọc da cao cấp và gỗ thượng hạng. Xe còn được trang bị hệ thống kết nối Command Online, hiển thị thông tin trên kính chắn gió.

 

Trên bảng điều khiểu trung tâm và dưới đáy vô-lăng có logo Maybach như dấu hiệu nhận biết. Ngoài ra, bảng táp-lô còn xuất hiện đồng hồ IWC trước đây chỉ dành cho các mẫu xe AMG.

 

Hệ thống giải trí trên Mercedes-Maybach S400 4Mati là loại Burmeister 3D High End có công suất 1.540 W cùng 24 loa. Hành khách có thể đổi màu đèn viền nội thất với 7 màu khác nhau, tùy theo tâm trạng.

 

Mercedes-Maybach S400 4Matic được trang bị động cơ V6, tăng áp kép, dung tích 3.0 lít, sản sinh công suất tối đa 333 mã lực và mô-men xoắn cực đại 480 Nm. Sức mạnh được truyền tới cả 4 bánh thông qua hộp số tự động 7 cấp.

 

Hệ thống an toàn trên Mercedes Maybach S400 4Matic bao gồm hệ thống quan sát ban đêm, dây đai an toàn phát sáng, công nghệ an toàn đón đầu Pre-Safe với các tính năng tự động nâng kính, nâng gối tựa đầu, siết chặt dây an toàn khi xảy ra va chạm.

 

Mercedes còn trang bị tính năng Curve Dynamic Assist giúp tránh hiện tượng thiếu lái khi vào cua ở tốc độ cao. Hệ thống Crosswind Assist hỗ trợ người lái điều khiển khi có lực gió mạnh thổi ngang thân xe.

Theo Ngọc Bích (Trí Thức Trẻ)

Cách phân biệt các hạng ôtô tại Việt Nam

Các mẫu xe hơi phân chia thành các phân khúc khác nhau, dựa vào dung tích động cơ hay kích thước cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng. Ảnh m...