Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

5 dung dịch quan trọng cho xe hơi

Để vận hành, ngoài đổ xăng, ôtô cần bổ sung hoặc thay khá nhiều loại dung dịch khác nhau mà không phải ai cũng biết.  

 

Xăng được ví như máu của xe và đổ xăng đúng cách giúp mạch máu thông suốt xe sẽ vận hành an toàn ổn định và bền bỉ.

Các chuyên gia khuyên đổ xăng vào buổi sáng, tránh buổi trưa và ban đêm. Tuy nhiên, không nên chạy hết bình mới đổ xăng, mà nên đổ từ khi thấy vạch kim xăng sắp về vị trí E hoặc khi có điều kiện. Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, nên tắt động cơ trước khi đổ xăng.

Ngoài ra, không nên đổ quá đầy xăng khiến xe nặng thêm, động cơ chịu thêm tải nên sẽ tiêu tốn xăng hơn. Nhưng cũng không nên thường xuyên để xe cạn xăng vì các chi tiết trong bình lâu ngày không được ngập trong xăng có thể bị ăn mòn.

Dầu máy  

Thay dầu định kỳ đúng tiêu chuẩn sẽ giúp đảm bảo bôi trơn, làm mát, làm sạch duy trì công suất và tuổi thọ động cơ.

Theo tiêu chuẩn của các hãng xe, dầu động cơ nên thay ở 1.000 km đầu tiên với xe mới sử dụng và sau mỗi 5.000 km cho những lần tiếp theo. Ngoài việc thay dầu, các hãng xe cũng khuyến cáo nên thay cả lọc dầu, 2 lần thay nhớt thì một lần thay lọc (hoặc thay lọc sau mỗi 10.000 km).

Video hướng dẫn thay dầu động cơ ôtô.

Nước mát  

Dung dịch làm mát đóng vai trò giải nhiệt, biểu hiện thông qua đồng hồ nhiệt độ động cơ trên bảng táp-lô.

Thông thường, khi nước mát đủ, khả năng làm mát tốt thì kim đồng hồ ở ngưỡng một nửa, giữa C (cool) và H (hot). Nếu đồng hồ chạy gần về phía H, tức hệ thống làm mát có vấn đề, dễ gặp nhất là thiếu nước mát. 

Xe thiếu nước mát sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Biểu hiện xe bị ì, gằn máy thậm chí có thể bị cong vênh mặt quy-lát, hỏng pít-tông, xy-lanh và gãy tay biên.

Video thể hiện nước mát sôi sùng sục ở nhiệt độ cao.

Theo các chuyên gia là cứ sau mỗi 40.000-50.000 km (khoảng 2-3 năm), tài xế nên thay nước mát để đảm bảo khả năng làm mát hiệu quả. Cẩn thận hơn, mỗi lần bảo dưỡng xe nhất là trong mùa hè, nên kiểm tra mực nước trong bình chứa, nếu thấp hơn mức tiêu chuẩn cần đổ thêm, đồng thời kiểm tra hệ thống làm mát vì có thể sẽ bị rò rỉ.

Đặc biệt, dung dịch nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà là chất lỏng chuyên dụng. Thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) và dung dịch làm mát ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh, cùng các chất phụ gia giúp chống bay hơi, ăn mòn động cơ. Vì vậy không nên pha thêm bất kỳ thứ nước gì khác.

Lưu ý, trường hợp động cơ đang nóng, nước mát trong bình có thể sôi. Nếu lúc này mở nắp bình, áp lực nước sẽ phun ra ngoài rất nguy hiểm. Nên mở nắp ca-pô và đợi cho tới khi máy nguội mới tiến hành mở nắp bình nước kiểm tra hoặc châm thêm nước.

Nước rửa kínhNước rửa kính chuyên dụng giúp nâng cao tuổi thọ của cần gạt đồng thời hạn chế tình trạng khúc xạ ánh sáng cả ban ngày lẫn ban đêm.

Tại Việt Nam, nhiều lái xe tiết kiệm thường sử dụng nước lã thay cho nước rửa kính chuyên dụng. Nước lã không thể làm sạch axit trong nước mưa cũng như những bụi bẩn phức tạp hằng ngày bám vào. Những vết bẩn lâu ngày không được làm sạch triệt để dẫn đến kính bị mốc, ố ảnh hưởng tầm nhìn khi ánh sáng ban ngày hoặc đèn xe ban đêm chiếu vào nguy hiểm đến tính mạng của người điều khiển xe cũng như người đi đường khác.

"Sáng tạo hơn", nhiều người trộn nước rửa bát với nước lã thành nước rửa kính. Dung dịch không phù hợp này có thể làm sạch kính nhưng lại làm xơ cứng cần gạt nước và ống dẫn nước. Kiềm trong chất tẩy rửa còn khiến máy bơm nước rửa kính nhanh hỏng.

Video hướng dẫn châm nước rửa kính.
 

Dầu phanh  

Dầu phanh sử dụng lâu ngày sẽ bị ngậm nước làm giảm nhiệt độ sôi tạo bọt khí khiến hệ thống phanh vận hành kém hiệu quả.

 

Phanh ô tô

Khi phanh xe, cơ năng chuyển hóa thành nhiệt làm nóng cơ cấu phanh. Dầu ở xi-lanh bánh xe nhận nhiệt và nóng dần lên. Trong một số trường hợp như đổ đèo dài, lái xe chưa có kinh nghiệm phanh liên tục thay vì về số, nhiệt độ tăng cao, dầu phanh có thể bị sôi. Bên trong hệ thống xuất hiện bọt khí.

Bọt khí trong dầu phanh bị nén lại, triệt tiêu áp suất do lực đạp và trợ lực phanh sinh ra. Kết quả, lực đạp phanh nhẹ hơn bình thường, cảm giác phanh xe không ăn dù đã đạp hết mức.

Dầu lẫn nước cũng khiến những chia tiết đắt đỏ của hệ thống lần lượt "ra đi". Yên phanh, xi-lanh bánh xe hay cụm ABS dần bị ăn mòn từ bên trong.

Nên thay dầu phanh sau 3-5 năm sử dụng.

Theo Ngọc Điệp (VnExpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cách phân biệt các hạng ôtô tại Việt Nam

Các mẫu xe hơi phân chia thành các phân khúc khác nhau, dựa vào dung tích động cơ hay kích thước cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng. Ảnh m...